Thoái hóa cột sống thắt lưng là gì? Triệu chứng, có chữa khỏi được không?

September 15, 2020 4:00 PM

Những thông tin trên giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh thoái hóa cột sống như nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa. Từ đó, có thể phát hiện được bệnh sớm, có chẩn đoán chính xác và biện pháp điều trị đúng, phù hợp để kiểm soát bệnh tốt nhất. Đồng thời, qua những thông tin này giúp mỗi người biết cách phòng ngừa, bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh khỏi căn bệnh xương khớp này.Thoái hóa cột sống là một trong những bệnh lý xương khớp rất phổ biến hiện nay. Bệnh có thể xảy ra do nhiều tác nhân khác nhau, nếu không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Bài viết hôm nay, bác sĩ Hồng Yến sẽ chia sẻ những kiến thức về tình trạng bệnh này.

Thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?

Thoái hóa cột sống là tình trạng biến đổi hình thái của các tổ chức liên quan đến cột sống gồm dây chằng, đĩa đệm, gai xương,... Vị trí thoái hóa cột sống thường gặp là thắt lưng và cổ.

Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh mạn tính tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống thắt lưng mà không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch.

Cột sống lưng bị thoái hóa là do chịu quá nhiều áp lực khiến sụn khớp, đĩa đệm, bao khớp…bị tổn thương, mất đi độ đàn hồi và suy giảm chất lượng. Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể gây ảnh hưởng đến nhiều vị trí khác trên cơ thể.

  • Phần giữa cột sống bị ảnh hưởng do gai cột sống ngực
  • Đau nhức lưng dưới
  • Các phần ngạnh của xương sống nhô ra ảnh hưởng tới các vị trí khác trên cột sống

Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống thắt lưng xảy ra do nhiều hệ quả và nguyên nhân khác nhau. Nhìn chung, thoái hóa cột sống thắt lưng bắt nguồn từ đĩa đệm và cột sống phải chịu nhiều áp lực, nâng đỡ phần lớn cơ thể trong nhiều năm khiến phần xương dưới sụn và sụn khớp bị tổn thương, dây chằng bao xung quanh khớp trở nên xơ cứng và đĩa đệm mất tính đàn hồi.

  • Tuổi tác lớn: Cột sống bị lão hóa theo thời gian do ảnh hưởng từ môi trường, chế độ ăn uống, tư thế vận động, sinh hoạt, luyện tập và chịu sức nặng cơ thể mà bị yếu đi.
  • Chấn thương: Những chấn thương ở vùng cột sống có thể khiến sụn khớp, đĩa đệm bị tổn thương. Lâu ngày, cột sống bị giảm khả năng chịu lực, trở nên suy yếu và dần bị thoái hóa.
  • Ảnh hưởng của các bệnh cơ xương khớp khác: Bệnh viêm khớp dạng thấp, lao cột sống,  viêm cột sống dính khớp, loãng lương,... khiến cột sống mất cân bằng, tăng áp lực làm đẩy nhanh quá trình thoái hóa cột sống thắt lưng.
  • Do điều kiện sống khó khăn, chế độ ăn uống không hợp lý, không đầy đủ, thiếu chất.
  • Do chế độ làm việc quá sức, lao động nặng quá sớm.
  • Phương pháp tập luyện thể dục, thể thao không hợp lý.
  • Thường xuyên mang, vác, đẩy, kéo các vật nặng không đúng tư thế.
  • Béo phì cũng là một nguyên nhân dẫn đến bệnh thoái cột sống

Thoái hóa cột sống do nguyên nhân tuổi tác thường xuất hiện muộn và có tiến triển tương đối chậm so với nguyên nhân khác. Với những tác nhân, yếu tố gây tổn thương đến cột sống, bệnh thường tiến triển nhanh hơn với triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Ngoài những nguyên nhân thoái hóa cột sống thắt lưng nêu trên, bệnh nhân cũng có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống thắt lưng cao nếu như:

  • Gia đình có người mắc bệnh Cột sống
  • Cấu trúc cột sống bất thường do bẩm sinh hoặc chấn thương (cong vẹo cột sống)
  • Nữ giới đang trong giai đoạn mãn kinh
  • Mắc các bệnh lý về nội tiết và chuyển hóa như cường giáp, suy giáp, tiểu đường,...
  • Sử dụng thuốc có tác dụng giảm khả năng hấp thu và tăng đào thải canxi qua thận

Triệu chứng thoái hóa cột sống thắt lưng

Dựa vào mức độ tổn thương, bệnh thoái hóa cột sống lưng được chia ra thành hai giai đoạn, mỗi giai đoạn có những triệu chứng khác nhau. Thông thường, trong giai đoạn nhẹ, khe khớp hầu như không hẹp hoặc chỉ hẹp rất ít cho nên khó nhận biết trên phim chụp. Trong giai đoạn nặng, gai xương và khe khớp hẹp hiện rõ, một số trường hợp còn quan sát cột sống bị biến dạng.

Giai đoạn nhẹ: Cứng khớp, đau thắt lưng âm ỉ

Đau cột sống lưng âm ỉ kéo dài. Triệu chứng đau có tính chất cơ học, khi vận động thấy đau, khi nằm nghỉ đỡ đau. Thỉnh thoảng có những đợt đau dữ dội, đặc biệt là những khi thời tiết thay đổi, trời lạnh, về đêm hay gần sáng.

Đau gia tăng khi người bệnh thực hiện các động tác cúi người, vặn mình, nâng nhấc đồ vật, vận động quá sức hoặc bị nhiễm lạnh.

Cứng cột sống lưng vào buổi sáng, có tiếng lục khục phát ra từ cột sống khi cử động.

Giai đoạn nặng: thời gian đau tăng, tần suất đau tăng

Thông thường khi thoái hóa cột sống thắt lưng nặng sẽ có hiện tượng chèn ép rễ thần kinh, hẹp lỗ liên hợp hoặc hẹp ống sống. Trong đó, biến chứng hẹp ống sống là nguy hiểm nhất, gây ra các cơn đau dữ dội hơn.. Cụ thể, người bệnh có thể cảm thấy:

Đau kèm theo cảm giác ê ẩm lan từ vùng thắt lưng xuống mông, đùi, bắp chân, thậm chí xuống tận bàn chân.

Đau nhiều khi đi bộ và đứng lâu, chỉ đi được vài bước ngắn, loạng choạng. Cong người về phía trước hoặc ngồi xuống nghỉ ngơi trong vài phút thì thấy đỡ đau. Nhưng cơn đau sẽ lại trở lại nếu đứng ở tư thế thẳng.

Tần suất đau tăng dần, các cơn đau có chiều hướng xuất hiện nhiều và liên tục làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống.

Co yếu cơ, cột sống cong vẹo, lệch trục, mất hoặc suy giảm khả năng vận động.

Thoái hóa cột sống xảy ra khi áp lực cơ thể đè nặng lên sụn khớp và các đốt sống sau nhiều năm sinh hoạt và làm việc, hoặc bị chấn thương,  mắc các bệnh lý. Quá trình này cộng thêm quá trình mất xương, thoái hoá xương sau tuổi 30 (dẫn đến loãng xương), mất cân bằng hormone… làm cho sụn khớp và xương dưới sụn bị bào mòn, hư hại ngày càng nghiêm trọng.

Thoái hóa cột sống thắt lưng có nguy hiểm không?

Thoái hóa cột sống thắt lưng tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng dễ để lại di chứng nặng nề.

  • Dây thần kinh bị chèn ép gây đau đớn, lan xuống vùng mông, tứ chi
  • Biến dạng, cong vẹo cột sống: Cơn đau dữ dội khiến bệnh nhân đau đớn, vận động khó khăn, phải nghiêng người, cong người để làm giảm cơn đau. Lâu dần khiến cột sống thắt lưng bị cong, vẹo
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể dẫn đến các bệnh lý khác như tổn thương đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống
  • Đau thần kinh tọa: Gai cột sống phát triển chèn ép dây thần kinh tọa gây đau nhức, tê bì
  • Ảnh hưởng tới thị lực, đau mắt, sợ áng sáng, chảy nước mắt, đồng tử to nhỏ không đồng đều, tầm nhìn thu hẹp, có trường hợp bị mù
  • Đau ngực dai dẳng, đặc biệt là khi ấn xuống do gai xương ảnh hưởng gốc thần kinh cột sống
  • Bại liệt: Biến chứng xuất hiện khi bệnh tình tiến triển quá nặng và không được khám chữa, điều trị kịp thời, bệnh nhân chủ quan, có nhiều thói quen ảnh hưởng xấu đến cột sống.

Chẩn đoán Thoái hóa cột sống thắt lưng

Sau khi khám ban đầu với bác sĩ, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu để chẩn đoán thoái hóa cột sống giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng, mức độ và phát hiện biến chứng thoái hóa cột sống thắt lưng để đưa ra phương pháp điều trị.

Các kỹ thuật thường dùng để chẩn đoán thoái hóa cột sống thắt lưng:

  • Xquang thường quy cột sống thẳng, nghiêng
  • Chụp cắt lớp vi tính
  • Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi và sinh hóa
  • Chụp cộng hưởng từ cột sống: chỉ định trong trường hợp có thoát vị đĩa đệm.
  • Chẩn đoán phân biệt: Áp dụng trong trường hợp thoái hóa cột sống có hiện tượng viêm, bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như viêm cột sống dính khớp, viêm đốt sống đĩa đệm, ung thư di căn xương,...

Thoái hóa cột sống có chữa khỏi được không?

Đây là một câu hỏi rất khó trả lời chính xác, bởi việc chữa khỏi hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, việc phát hiện bệnh sớm là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Càng phát hiện sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao.

Theo bác sĩ Hồng Yến của INDembassy cho biết, thoái hóa cột sống là căn bệnh có tính quy luật. Do đó, việc chữa trị khỏi hoàn toàn 100% là không thể, tuy nhiên với việc kiểm soát tốt và áp dụng cách điều trị đúng thì vẫn có thể chữa khỏi 70 – 80%.

Điều trị dứt điểm thoát hóa cột sống thắt lưng

Theo các bác sĩ, thầy thuốc tại Phòng chẩn trị YHCT Tâm Minh Đường cho biết, thoái hóa cột sống thắt lưng là căn bệnh chưa có phương pháp điều trị dứt điểm mà chỉ có thể điều trị triệu chứng, giảm đau nhức và hạn chế thoái hóa bằng cách sử dụng các phương pháp phù hợp.

Việc điều trị bằng phương pháp gì cần có sự chỉ định của thầy thuốc, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc và các biện pháp điều trị thoái hóa cột sống tại nhà để tránh tình trạng gặp tác dụng phụ hoặc bệnh tình nặng hơn.

1. Dùng thuốc điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng

Điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng bằng thuốc là ưu tiên hàng đầu. Bệnh nhân sẽ được kê thuốc giảm triệu chứng đau nhức, thuốc làm chậm quá trình thoái hóa. Một số loại thuốc thường được dùng để điều trị trong thoái hóa cột sống thắt lưng:

  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc chống viêm
  • Tiêm corticoid tại chỗ
  • Thuốc ức chế IL1...

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu có tác dụng chậm hơn so với thuốc nhưng có tác dụng chậm hơn so với dùng thuốc nhưng đây là phương pháp an toàn, hiệu quả cao và lâu dài, giúp kiểm soát triệu chứng, hỗ trợ phục hồi chức năng vận động, giảm chèn ép lên rễ thần kinh.

Các phương pháp vật lý trị liệu bệnh nhân có thể áp dụng điều trị thoái hóa đốt sống thắt lưng: Tia hồng ngoại; Siêu âm; Kích thích điện; Liệu pháp suối khoáng, bùn nóng; Châm cứu; Xoa bóp bấm huyệt; Kéo giãn cột sống; Các bài tập thoái hóa cột sống thắt lưng,...

Bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp vật lý trị liệu kết hợp dùng thuốc để tăng hiệu quả điều trị.

3. Phẫu thuật điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng:

Phẫu thuật thoái hóa cột sống là phương pháp điều trị cuối cùng khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả, triệu chứng nặng, kéo dài và một số trường hợp như:

  • Dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng gây ra tê liệt
  • Thoái hóa đi kèm thoát vị đĩa đệm
  • Trượt đốt sống gây ra đau thần kinh tọa lâu ngày
  • Đĩa đệm thoái hóa nghiêm trọng, cần phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo
  • Khó hoặc mất kiểm soát ruột và bàng quang

Cách phòng ngừa thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống là quá trình tự nhiên không thể ngăn chặn nhưng có thể làm chậm bằng cách thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao.

Chế độ dinh dưỡng phòng ngừa thoái hóa cột sống

  • Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất tốt cho xương khớp vào bữa ăn hằng ngày như Canxi vitamin D, vitamin K ,vitamin C,…
  • Bổ sung Glucosamine từ các loại thức phẩm chức năng.
  • Uống nhiều nước lọc, tối thiểu 1,5 lít – 2 lít/ngày
  • Không dùng các chất kích như thuốc lá, rượu, bia, cà phê.

Thói quen sinh hoạt & luyện tập

  • Hạn chế các công việc nặng nhọc, dùng sức nhiều, chú ý điều chỉnh tư thế, giảm các áp lực dồn lên cột sống.
  • Thường xuyên thay đổi tư thế khi ngồi nhiều, khoảng 60 phút nên đứng lên đi lại để cột sống, xương khớp được thư giãn.
  • Tập thể dục thường xuyên và đúng cách giúp tăng cường sức khỏe xương khớp.
  • Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý
  • Cân bằng cuộc sống, hạn chế stress & căng thẳng.

Bài tập dành cho người thoái hóa cột sống

Dưới đây là những bài tập hàng ngày cho bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng với các động tác kéo giãn cơ lưng, cơ bụng, di động cột sống... giúp chúng ta dự phòng và điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng.

Các bài tập vận động này tốt cho hệ xương khớp và cột sống. Nếu tập thường xuyên và duy trì sẽ giúp cải thiện và giảm hẳn cảm giác đau. Mỗi người nên tập các động tác này ít nhất 2 lần trong một ngày, một động tác lặp lại 10 lần.

Bài tập 01: Kéo giãn cơ lưng bên chân co

Nằm ngửa trên giường (hoặc sàn), một chân duỗi thẳng, ngóc bàn chân lên và ấn gan chân xuống mặt giường. Chân còn lại co gối, đan hai tay kéo sát gối về hướng ngực, đồng thời hít vào. Sau đó duỗi thẳng chân trở về tư thế ban đầu, đồng thời thở ra. Đổi chân và thực hiện thêm một lần như trên.

Bài tập 02: Kéo giãn cơ lưng 2 bên

Kéo giãn cơ lưng.

Co hai chân, đan hai tay kéo sát hai gối về hướng ngực, đồng thời hít vào. Duỗi thẳng hai chân về vị trí ban đầu, đồng thời thở ra.

Bài tập 3: Nghiêng xương chậu ra sau

Co hai gối, đặt hai bàn chân trên mặt giường.

Bài tập cho xương chậu.

- Bài tập nhẹ: Gồng cơ bụng, ấn lưng xuống sát mặt giường, đồng thời hít vào. Sau đó thư giãn cơ bụng, đồng thời thở ra.

- Bài tập tăng tiến: Gồng cơ bụng, ấn lưng xuống sát mặt giường. Nhấc mông lên khỏi mặt giường, đồng thời hít vào. Từ từ hạ mông xuống, giữ lưng sát mặt giường và thở ra.

Bài tập 04: Di động cột sống

Hai tay đan sau gáy hoặc đặt dọc theo thân mình. Ấn lưng sát mặt giường, nhấc mông lên khỏi mặt giường, đồng thời thở ra. Sau đó ưỡn lưng lên khỏi mặt giường và ấn mông sát mặt giường, đồng thời hít vào. Động tác này thực hiện luân phiên, không giữ lại.

Bài tập 05: Kéo giãn cơ bên thân mình

Hai tay đan sau gáy hoặc đặt dọc theo thân mình. Nghiêng hai chân sang cùng mộtbên, càng gần mặt giường càng tốt đồng thời hít vào. Sau đó trở về vị thế ban đầu, đồng thời thở ra. Đổi bên và thực hiện như trên.

Bài tập 06: Kéo giãn nhóm cơ dạng (mặt ngoài đùi)

Động tác giãn cơ dang.

Hai tay đan sau gáy hoặc đặt dọc theo thân mình. Một chân duỗi thẳng và được nâng đỡ trên giường. Chân còn lại giơ cao 45 độ, khép, hơi xoay về phía đối diện, duỗi bàn chân xuống, đồng thời hít vào. Giữ mông bên chân giơ cao sát mặt giường. Giữ thẳng đầu gối rồi từ từ hạ chân xuống, đồng thời thở ra. Đổi chân và thực hiện như trên.

Bài tập 07: Kéo giãn cơ tam đầu đùi (mặt sau đùi)

Kéo dãn cơ đầu đùi.

Một chân duỗi thẳng, được nâng đỡ trên giường. Chân còn lại nâng lên cao vuông góc mặt sàn, hai tay ôm lấy mặt sau đùi, đồng thời hít vào. Giữ thẳng đầu gối rồi từ từ hạ chân xuống, đồng thời thở ra. Đổi chân và thực hiện như trên.

Bài tập 08: Tập mạnh cơ bụng

Hai tay đan sau gáy hoặc đặt dọc theo thân mình. Lưng giữ sát mặt giường.

Bài tập cơ bụng nhẹ.

- Bài tập nhẹ: Co hai chân, bàn chân nhấc lên khỏi mặt giường. Co và duỗi chân như động tác đạp xe. Luân phiên hai chân, hít vào thở ra đều đặn.

Tập cơ bụng vừa.

- Bài tập vừa: Co hai chân, bàn chân nhấc lên khỏi mặt giường, đưa hai gối về hướng ngực, đồng thời hít vào. Duỗi thẳng hai gối về tư thế ban đầu, đồng thời thở ra.

Tập cơ bụng mạnh.

- Bài tập mạnh: Giơ cao hai chân, hướng lòng bàn chân lên trần nhà, đồng thời hít vào. Hạ hai chân về tư thế ban đầu, đồng thời thở ra.

Bài tập 09: Tập mạnh cơ lưng

Tập mạnh cơ lưng.

- Bài tập vừa: Đặt hai tay dọc theo thân mình hay đan sau gáy. Nâng đầu và ngực lên khỏi mặt gường, đồng thời hít vào. Hạ người xuống trở về tư thế ban đầu đồng thời thở ra.

Vận động mạnh cơ lưng.

- Bài tập mạnh: Thẳng hai tay về phía trước hay đan sau gáy. Nâng đầu và ngực lên khỏi mặt giường, đồng thời hít vào. Hạ người xuống trở về tư thế ban đầu, đồng thời thở ra.

Bài tập 10: Di động cột sống

Di động cột sống.

Hóp bụng lại, đồng thời hít vào. Uốn cong lưng lên phía trên và cúi đầu xuống. Ngẩng đầu lên và hạ lưng xuống, đồng thời thở ra. Lưu ý: Không di chuyển tay và chân khi thực hiện bài tập. Động tác này làm luân phiên, liên tục

Bài tập 11: Giữ thăng bằng và tập mạnh nhóm cơ lưng

Giữ thăng bằng.

Tay phải đưa thẳng về phía trước và hướng lên trần nhà. Chân trái duỗi thẳng ra sau và hướng lên trần, mắt nhìn theo tay, đồng thời hít vào. Hạ tay và chân xuống về tư thế ban đầu, đồng thời thở ra. Tiếp tục đổi bên và thực hiện như trên.

Bài tập 12: Kéo giãn nhóm cơ lưng

Kéo dãn nhóm cơ lưng.

Ngồi trên hai gót. Mông giữ trên gót. Cúi đầu sát mặt giường, cúi người về phía trước. Hai tay trượt trên mặt giường hướng tới phía trước. Hít vào thở ra đều đặn.


Những thông tin trên giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh thoái hóa cột sống như nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa. Từ đó, có thể phát hiện được bệnh sớm, có chẩn đoán chính xác và biện pháp điều trị đúng, phù hợp để kiểm soát bệnh tốt nhất. Đồng thời, qua những thông tin này giúp mỗi người biết cách phòng ngừa, bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh khỏi căn bệnh xương khớp này.

Nguồn tham khảo: https://indembassy.com.vn/thoai-hoa-cot-song/

Theo Embassy of India in Hanoi

Tác giả: Bác sĩ Hồng Yến

Bác sĩ Hồng Yến tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hồng Yến sinh ngày 18/6/1969 tại Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Y học cổ truyền – Đại học Y Hà Nội (Lớp P35 E3) năm 1993, nguyên là Giảng viên chính, bác sĩ YHCT tại Học viện Y dược học cổ truyền.